Ngò rí (tên khoa học: Coriandrum sativum, thuộc họ Cà rốt: Apiaceae) (2) là loại rau thân thảo phân nhánh, có thể cao khoảng 0,5 m. Lá ngò rí mọc từ gốc, có cuống dài với ba lá chét xẻ thùy, mép lá có các khía răng cưa. Hoa ngò rí nhỏ, mọc ở đầu cành và có màu trắng. Quả ngò rí hình cầu, màu vàng rơm, gồm hai nửa quả ghép lại chứa các hạt nhỏ bên trong.
Toàn cây ngò rí (rau mùi) đều có tinh dầu và có mùi thơm dễ chịu nên còn được dùng làm hương liệu. Trong ẩm thực, ngò rí là thành phần không thể thiếu trong các ổ bánh mì thịt, trong món ca ri cũng như các món canh, xào, kho khác.
Tính vị, công dụng của rau mùi (ngò rí)
Theo y học cổ truyền, ngò rí vị the cay, tính ôn, có tác dụng phát tán, trừ tà khí, khu phong, long đờm, giảm ho, sốt, nhức đầu, giúp dễ tiêu, lợi sữa, mạnh dạ dày và lợi đại tiểu trường (3) (5).
Rau ngò rí cũng được Lê Hữu Trác ghi chép trong tác phẩm tâm huyết về nghề y của mình như sau:
“Hồ Tuy thường vẫn gọi rau Mùi (ngò rí)
Không độc, ấm cay, thông lợi thôi.
Tiêu thực, bổ trung, thông nhị tiện
Chữa phong, đậu quyết, kéo dương hồi“.
(Hải thượng y tông tâm lĩnh) (4)
Cách dùng rau mùi: dùng thuốc sắc hoặc ngâm rượu (khoảng 4 – 10 g quả hoặc 10 – 20 g lá) (3).
Ngoài ra, quả và lá ngò rí còn được dùng trong một số bài thuốc như:
- Say do leo núi: giã nát lá rau ngò rí và đắp lên trán (5).
- Da mặt nổi nốt ruồi đen: sắc nước quả ngò rí để rửa mặt (3).
- Nhức răng: ngậm và súc miệng thường xuyên bằng nước sắc hạt ngò rí (6).
- Gan thận hư hàn, di tinh, xuất tinh sớm: dùng 4 – 10 g quả ngò rí sao thơm, giã dập rồi pha trà uống (5).
- Trẻ em bị nổi mẩn đỏ đau và ngứa: lấy nước ép từ rau ngò rí tươi bôi lên hoặc vò nát lá rồi chà nhẹ lên da (7).
- Cạn sữa sau sinh: đun sôi 6 g quả ngò rí trong 100 ml nước (đun sôi khoảng 15 phút) rồi chia làm hai lần uống trong ngày (3).
- Tiêu chảy ra máu: dùng khoảng 1 nắm hạt ngò rí, sao thơm, tán nhỏ, mỗi lần uống 2 đồng cân với nước chín, ngày uống hai lần (7).